Kỹ thuật trồng và chăm sóc giống bưởi Đoan Hùng

chăm sóc bưởi đoan hùng

Kính chào bà con, bưởi Đoan Hùng là một giống bưởi ngon số 1 Việt Nam, kỹ thuật trồng cây bưởi Đoan Hùng cho sai quả, ngon và mọng nước , mật độ trồng một sào bắc bộ (360m2) Khoảng 50-60 gốc. Tuy nhiên có một số điểm bà con cần lưu ý khi trồng bưởi Đoan Hùng bà còn cần phải biết trước khi lựa chọn giống bưởi tốt nhất và phù hợp nhất.

Một số điểm lưu ý truyền miệng khi trồng bưởi Đoan Hùng

– Bưởi Đoan Hùng trồng cành ghép vào gốc bưởi nở từ hạt có tuổi thọ lâu hơn bưởi triết cành. Điều này bà con cần phải biết khi mua giống vì giống bưởi Đoan Hùng quý ở chỗ gốc bưởi càng lâu ăn càng ngon

– Bưởi Đoan Hùng trồng sau 3-4 năm thì ra bói nhưng phải sau 7-8 năm thì quả mới cho chất lượng ngọt và ăn ngon, ban đầu khi bói bưởi có vị ngăm nên rất nhiều người thất vọng và chặt hết. Đây là đặc điểm đáng ra các trung tâm cây giống cần nói rõ cho bà con hiểu thì họ lại sơ ý bỏ qua. Như vậy quý vị cần phải chú ý để trồng xen hơặc trồng gối để tránh phải chờ 7-8 năm mới được thu ( vậy trong những năm chờ bà con phải có kế hoạch phụ)

– Bưởi Đoan Hùng muốn trở thành đặc sản phải có tuổi đời trên 15 năm, nếu kỹ thuật chăm sóc tốt thì 10 năm có thể đạt chất lượng đặc sản

– Bưởi Đoan Hùng muốn đỗ quả nhiều bà con nên trồng xen vài ba giống bưởi khác ( Bưởi diễn, bưởi chua, bưởi sửu, bưởi khả lĩnh) để cho thụ phấn chéo. Bà con cần chủ động theo dõi và thụ phấn bằng tay cho bưởi để có năng suất cao nhất

– Để trồng được bưởi Đoan Hùng sao cho quả ngọt bà con cần chú ý bón phân gà cho bưởi, đây là kinh nghiệm được bà con nông dân truyền tai nhau tại Đoan Hùng, hôm nay tôi xin chia sẻ lên đây để cho mọi người cùng tham khảo áp dụng, bà con ở quê thường có suy nghĩ giấu nghề, sợ chia sẻ thì nhà người khác sẽ hơn nhà mình cho nên khi chia sẻ những thông tin này nếu chúng tôi có đắc tội thì cũng mong bà con thông cảm vì chúng ta cần phải giúp nhau phát triển.

– Bưởi Đoan Hùng chỉ ngon nhất khi trồng tại khu vực Đoan Hùng, nơi thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp nhất. Vùng Đại Minh, Yên Bình, Yên Bái giáp danh Đoan Hùng có chung đặc điểm khí hậu nên trồng bưởi Đoan Hùng cũng rất ngon, nhưng bà con nên nhớ rằng Yên Bình là một phần của Đoan Hùng trước kia. Thế nên nếu ai nói bưởi Yên Bái ngon thì nhất thiết phải là bưởi  vùng Đại Minh, bởi nó chính là Bưởi Đoan Hùng mà ra. Còn lại giống bưởi Đoan Hùng đem trồng ở nơi khác thì chất lượng chắc chắn sẽ không được ngon bằng ở Đoan Hùng vì chất đất có thể cải tạo nhưng khí hậu thì mỗi nơi một khác.

Trên đây là một số lưu ý bà con cần phải biết trước khi quyết định lựa chọn giống cây bưởi Đoan Hùng để trồng tại vườn nhà. Để giúp bà con tiện chăm sóc cho cây bưởi tốt nhất chúng tôi xin được đăng tải, hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi Đoan Hùng ban hành kèm theo quyết định số 88/QĐ-NN ngày 12/7/2004 của sở NN&PTNT Phú Thọ. Dựa trên kết quả triển khai đề tài: ” Điều tra, nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp các loại sâu bệnh hại chính trên gốc bưởi đặc sản Đoan Hùng”

thụ phấn bưởi
Bà con thụ phấn hoa bưởi tại xã Chí Đám – Đoan Hùng

1: Biện pháp canh tác, trồng bưởi Đoan Hùng

a: Chọng giống: Ngay từ khi trồng, chỉ chọn 2 giống đặc sản là giống bưởi Sửu (Chí Đám) và bưởi Bằng Luân với các tiêu chuẩn: Cây giống xuất vườn phải sạch sâu, bệnh, được sản xuất theo phương pháp ghép hoặc lấy trực tiếp từ các cây bưởi Sửu (Chí Đám) hoặc bưởi Bằng Luân đã được tuyển chọn và công nhận. Không nên sử dụng giống bưởi được sản xuất trong dân, không rõ nguồn gốc. Cây giống xuất vườn phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn qui định. Tuy nhiên cần lưu ý xen giống để thụ phấn chéo như đã nói

b: Làm đất: Đất bằng và đất có độ dốc dưới 4 độ, thiết kế trồng theo băng, theo hàng; nên bố trí trồng nanh sấu. Đất thấp dễ bị úng cần thiết kế hệ thống mương thoát nước đảm bảo tiêu úng kịp thời. Đất đồi thường bị hạn thiết kế trồng theo đường đồng mức, có rãnh giữ nước. Làm đất, đào hố trồng phải làm sớm, phơi đất 20 – 25 ngày, sau đó bón phân lót, lấp hố thước trồng 25-30 ngày để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại. Bón đầy đủ phân hữu cơ, vôi bột, NPK cho từng hố trồng.

c: Mật độ trồng: Nên trồng với mật độ 280 – 330 cây/ha để đảm bảo đủ ánh sáng cho cây phát triển, ra lộc đều, hạn chế sâu bệnh.

d: Tưới nước giữ ẩm: Đối với cây mới trồng cần tưới nước đảm bảo giữ ẩm đất thường xuyên. Đối với vườn bưởi kinh doanh có thể tưới vào các tháng 11, 12 và tháng 01 hàng năm. Khi tưới cần tưới ướt đẫm từ gốc đến xung quanh vồng tán; trong suốt cả năm, cần áp dụng các biện pháp giữ ẩm như tủ đất bằng rơm rạ (nhưng cách gốc 0,3 – 0,5 mét) hoặc trồng cây cỏ có hoa để che phủ đất. Vườn cây phải được thoát nước tốt, không ngập úng hoặc đọng nước sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và gây hại.

e: Bón phân: Đối với vườn bưởi kinh doanh: lượng bón phân chuồng: 15 tấn/ha; Vôi bột: 300 kg/ha; Đạm Urê: 250 kg/ha; Supe lân 450 kg/ha; Kali: 300 kg/ha. Thời gian bón: Tháng 10 – 12, bón cơ bản (sau thu hoạch) gồm 100% hữu cơ + lân + vôi bột; tháng 2, bón thúc cành xuân và đón hoa gồm 60% Urê + 40% Kali; tháng 6 – 7, bón thúc cành thu và tăng trọng quả gồm 40% Urê + 60% Kali. Cách bón: Phân hữu cơ, lân, vôi bột: Đào rãnh quanh vòng tán, rộng 20 – 40 cm, sâu 25 – 40 cm. Trộn đều phân với đất bón vào rãnh sau đó lấp lại và tưới đẫm n­ước; Đạm và Kali  rắc quanh tán, xăm nhẹ, tư­ới đẫm nư­ớc, tránh đứt  rễ.

chăm sóc bưởi đoan hùng
Cây bưởi phát triển tốt sau 3 năm chuẩn bị cho bói

2: Các biện pháp sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi Đoan Hùng

a: Chiết suất ký sinh phun trở lại vườn bưởi: Thu thập các cá thể sâu hại bị vi sinh vật ký sinh đem chiết suất và phun trở lại vườn để duy trì liên tục sự có mặt của các loài vi sinh vật ký sinh gây bệnh cho sâu, khống chế sự phát triển gia tăng mật độ và gây hại của chúng. Cứ 10 cá thể ngâm với 01 lít nước trong 24 giờ, pha thành 10 lít, phun 500 lít/ha.

b: Chiết suất ký sinh phun trở lại vườn bưởi: Thu thập các cá thể sâu hại bị vi sinh vật ký sinh đem chiết suất và phun trở lại vườn để duy trì liên tục sự có mặt của các loài vi sinh vật ký sinh gây bệnh cho sâu, khống chế sự phát triển gia tăng mật độ và gây hại của chúng. Cứ 10 cá thể ngâm với 01 lít nước trong 24 giờ, pha thành 10 lít, phun 500 lít/ha.

c: Nuôi thả kiến vàng: Tìm những tổ kiến vàng trên các loại cây khác, dùng túi Nilon bao quanh tổ, ngắt cuống tổ và di chuyển về buộc treo trên cành bư­ởi phía giữa tán. Dùng dây buộc nối giữa các cây, cành tạo đường đi cho kiến. Cho kiến ăn thêm bằng cách treo đầu cá, ruột gà, vịt theo các sợi dây nối để đàn kiến nhanh phục hồi. Nếu cần di chuyển kiến từ vườn bên cạnh thì dùng dây buộc nối từ nơi có tổ kiến về vườn muốn chuyển đến. Sau đó buộc treo đầu cá, ruột gà từng đoạn một trên dây để nhử kiến về.

d: Trồng và để cỏ có hoa trong vườn: Dùng các loại hạt cây cỏ có hoa (cây cứt lợn hoặc họ đậu) rắc khi đất đủ ẩm. Khi cỏ mọc lên tốt cắt dần theo băng đồng thời xới gọn quanh gốc với đư­ờng kính 01 m tạo điều kiện cho các loài thiên địch có nơi trú ẩn và ăn thêm.

3: Biện pháp cơ giới, vật lý khi chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bưởi Đoan Hùng

a: Cắt tỉa tạo tán: Thời kỳ KTCB cần cắt tỉa tạo hình, cắt bỏ những cành nhỏ, cành không đúng vị trí, cành sâu bệnh, tạo bộ khung cành cấp 1, cấp 2 vững chắc, tán cân đối. Chú ý cắt bỏ kịp thời những chồi gốc dưới mắt ghép. Thời kỳ cho quả, hàng năm cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, cành gãy, cành vượt, cành phía giữa tán, cành đã cho quả để tạo sự thông thoáng và phân bố đều ánh sáng.

b: Thường xuyên phát hiện, đào bỏ những cây bị bệnh, dùng vợt hoặc bắt giết bằng tay những loài sâu hại có kích thước lớn.

4: Sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh cho bưởi Đoan Hùng

a. Đối với sâu vẽ bùa: Sử dụng Dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi lộc xuân ra đều hoặc Polytrin 400 EC pha ở nồng độ 0,1%,  phun  800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

b. Nhện đỏ, rệp sáp: Sử dụng Dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

c. Sâu đục thân, đục cành: Nếu phát hiện có lỗ sâu thì dùng Ofatox… pha loãng, bơm hoặc tẩm bông nhét vào lỗ sâu, sau đó dùng đất dẻo bịt lại.

d. Sâu xanh bướm phượng: Dùng thuốc sinh học V-BT hoặc nước chiết xuất nấm ký sinh từ các cá thể bị ký sinh phun trở lại vườn. 

e. Bệnh chảy gôm: Cắt bỏ những cành bị bệnh nặng, cạo sạch vỏ xung quanh vết bệnh, dùng Aliette 80WP pha 3g/01lít hoặc Ridomil MZ 72 WP pha 30g/01lít quét đẫm lên vết bệnh khi bệnh mới xuất hiện.

f. Rầy chổng cánh: Dùng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC phun vào lúc cây chớm ra lộc với nồng độ 70 ml dầu trong 10 lít nước, bắt đầu phun khi búp lộc đầu tiên hé mở, sau đó phun 5 – 14 ngày /1lần cho đến khi đa số lộc đạt chiều dài 10 mm.

5 Thu hoạch và bảo quản bưởi Đoan Hùng

Khi trái bưởi chín vàng, quả căng tròn, mọng nước dùng kéo sắc cắt sát cuống quả, sau đó bôi vôi vào cuống quả, phân loại quả. Để bưởi nơi kín gió, khô ráo có thể bảo quản được từ 3 – 4 tháng. Tuy vỏ quả héo nhăn nheo nhưng tôm bưởi vẫn căng mọng nước, không gạo, không nát, độ ngọt và mùi càng đậm đà. Nếu gốc bưởi đã già (trên 40 năm tuổi) thời gian để lên đến 6 tháng mà không bị khô.

Chúc bà con trồng cây bưởi Đoan Hùng được bội thu, bà con hãy chia sẻ kỹ thuật bằng cách giới thiệu người quen cùng đọc nhé.

Nguồn tham khảo: Chi cục bảo vệ thực vật Phú Thọ- Trồng bưởi Đoan Hùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *